HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CHÂN LÝ

 

Người chơi Cờ Vua chúng ta vẫn luôn băn khoăn một câu hỏi “Làm thế nào để có thể thực hiện nước đi đúng trong hàng ngàn, hàng triệu khả năng có thể xảy ra trên bàn cờ?” . Thực tế đã chứng minh đó là việc làm khó khăn như thế nào, ngay cả với các kỳ thủ ở trình độ rất cao như Đại Kiện Tướng. Chúng ta đã thấy Nakamura mô phỏng tính toán tới hàng chục nước đi khi giải bài tập online, chúng ta đã thấy Ding Liren hủy diệt đối phương bằng chuỗi nước đi thí quân vô cùng đẹp mắt và chính xác, hay đối thủ của Magnus Carlsen phải đánh tới Cờ Tàn mới nhận ra mình đã bị Vua Cờ dẫn dắt từ trung cuộc. Có một sự thực là, ngay cả các siêu cao thủ trên cũng có những lúc sai lầm, chỉ khác rằng tần suất họ mắc sai lầm là rất thấp và nó hầu như chỉ xảy ra khi phong độ của họ không thật sự tốt.

Vậy họ đã tìm ra nước đi như thế nào, trong bài viết này mình sẽ tiết lộ công thức ấy cho các bạn nhé! (Tất nhiên là khả năng vận dụng công thức của mình còn kém họ vài triệu năm ánh sáng rồi kaka).

TRƯỚC HẾT, HÃY LUÔN ĐÁNH GIÁ THẾ CỜ!

Việc mà hầu hết các kỳ thủ mới, nhỏ tuổi hay kỳ thủ nghiệp dư thường bỏ qua hoặc không được dạy một bước rất quan trọng khi tìm nước đi, đó là ĐÁNH GIÁ THẾ CỜ. Đó là công việc mà các kỳ thủ chuyên nghiệp đều làm để xác định xem ưu thế trong hình cờ hiện tại đang thuộc về ai, mức độ ưu thế như thế nào và yếu tố nào là chính cấu thành nên ưu thế đó. Trong thực tế, các ván cờ giữa các kỳ thủ có trình độ chuyên môn cao thường ít khi diễn ra một chiều, tức là diễn ra theo kiểu một bên đoạt được ưu thế và ưu thế đó cứ lớn dần tới khi thắng. Chẳng hạn, khi bạn dùng dàn Tốt liên kết để bắt chết Tượng, đối phương sẽ cố gắng đổi Tượng của họ để lấy được ít nhất 2 Tốt, hoặc trong một vài trường hợp họ sẽ dùng Tượng đó để phá thành Vua của bạn (kiểu như Final Hope – điều trăn trối trước khi ra đi). Vậy thì trong trường hợp đó, ưu thế của bạn không phải là ưu thế một chiều mà là ưu thế đã được trừ đi phần bù đắp của đối phương.

Vậy điều mình muốn nói ở đây là gì? Đó là chúng ta sẽ phải đưa các yếu tố này lên bàn cân, và đong đếm thật cẩn thận để xác định xem bên nào đang hơn. Nếu các bạn đánh giá thấp khả năng của 2 Tốt, hay không để tâm tới thành Vua bị hở, thì sẽ phải trả cái giá đắt đấy!

KÝ HIỆU ĐÁNH GIÁ

Để đánh giá thế cờ tại một thời điểm nào đó trong ván đấu, người ta sẽ dùng các ký hiệu để đánh dấu sau khi kết thúc một phương án. Các bạn nhớ lưu lại để không quên nhé!

Nguồn: Chess.com

 

Dịch ra Tiếng Việt:

  • with the idea…: với ý đồ…
  • aimed against…: chống lại…
  • better is: mạnh hơn là
  • weaker is: yếu hơn là
  • editorial comment: bình luận
  • only move: nước duy nhất (nước bắt buộc)
  • zugzwang: không còn nước đi hợp lí để duy trì thế trận
  • position is unclear: thế cờ không rõ ràng, phức tạp
  • white is slightly better: Trắng ưu thế nhỏ
  • black is slightly better: Đen ưu thế nhỏ
  • white has a moderate advantage: Trắng ưu thế lớn
  • black has a moderate advantage: Đen ưu thế lớn
  • white has a decisive advantage: Trắng ưu thế quyết định (ưu thế thắng)
  • black has a decisive advantage: Đen ưu thế quyết định (ưu thế thắng)
  • with compensation for material: có bù đắp
  • development advantage: ưu thế phát triển quân
  • with initiative: giành thế chủ động
  • with attack: có thế tấn công
  • with counterplay: đôi công, phản công
  • time, time trouble: gần hết giờ
  • connected pawns: Tốt liên kết
  • disconnected pawns: Tốt lẻ, đảo Tốt
  • double pawns: Tốt chồng
  • passed pawns: Tốt thông
  • ending: cờ tàn
  • king’s side: cánh Vua
  • queen’s side: cánh Hậu
  • greater space: chiếm không gian
  • centre: trung tâm
  • file: cột
  • diagonal: đường chéo
  • pair of bishop: ưu thế đôi Tượng
  • bishop opposite color: Tượng trái màu
  • bishop same color: Tượng cùng màu

 

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ

Sau đây mính sẽ hướng dẫn các bạn cách để đánh giá một thế cờ. Công thức tóm gọn như sau, các bạn chia ra 2 cột Trắng và Đen trong đầu rồi thực hiện 3 bước:

Bước 1: So sánh tương quan lực lượng (vật chất)

Bước này quá dễ. các bạn đếm và so sánh xem có sự chênh lệch về quân số hay không và ghi nhận nó. Điểm cho từng quân Hậu 9 điểm, Xe 5 điểm, Tượng và Mã 3 điểm, Tốt 1 điểm. Các điểm này sẽ được cộng trừ vào điểm đánh giá cuối cùng.

Bước 2: So sánh các yếu tố thế trận

  • Vị trí Vua: đây là yếu tố mà mình đánh giá là quan trọng nhất. Đa số các ván cờ diễn ra cân bằng đều có sự tương đồng về vị trí Vua. Nếu có một bên Vua chưa nhập thành hay tệ hơn là bị suy yếu, mất nhập thành thì có thể bị trừ điểm rất nặng tùy vào mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu ván cờ đang ở giai đoạn Cờ Tàn thì số điểm cao hơn sẽ thuộc về Vua có vị trí tích cực hơn nhé!
  • Trung tâm: Không cần giải thích nhiều vì đây là khu vực quan trọng nhất bàn cờ. nếu bên nào hoàn toàn làm chủ trung tâm thì đó là một điểm cộng to đùng đấy!
  • Vị trí các quân: Xét theo thứ tự từ Hậu tới Xe rồi đến Tượng & Mã. Chúng ta sẽ so sánh vị trí với quân tương tự của đối phương. Nếu các quân hoạt động theo cặp (chẳng hạn như 2 Xe chồng cột hoặc 2 Tượng nhắm vào Vua) thì chúng ta sẽ so sánh cả cặp luôn. Thường vị trí quân mỗi một điểm cộng có thể tương ứng với 0.5 điểm. Xe sẽ mạnh hơn khi ở trên cột mở hoặc nửa mở, Tượng mạnh hơn khi cờ thoáng và kiểm soát đường chéo, Mã mạnh nhất khi có ô tiền đồn. Chúng ta sẽ ghi cẩn thận các điểm cộng (nếu có) của mỗi bên vào cột tương ứng. Điểm số của từng quân cờ có thể tăng hoặc giảm nhẹ tùy vào mức độ hoạt động và sự liên kết với các quân còn lại khi thực hiện một nhiệm vụ cụ thể (ví dụ tấn công Vua).
  • Cấu trúc Tốt: đây là yếu tố quan trọng nhất xuyên suốt từ trung cuộc tới Cờ Tàn. Tốt yếu sẽ bị trừ điểm và trừ nhiều hơn ở giai đoạn Cờ Tàn. Tốt thông càng tăng điểm nếu tiến càng xa và có quân hỗ trợ. Tốt liên kết sẽ được đánh giá cao hơn nếu chiếm được nhiều không gian hơn. Mỗi dấu cộng trong phần này có thể cho khoảng 0.5 điểm.  

Bước 3: Tổng kết điểm và đưa ra kết luận cuối cùng

Sau khi đã có trong đầu 2 cột với các dấu cộng, các bạn sẽ cộng hết tất cả lại để xem phần dư ra nằm ở cột nào, từ đó các bạn sẽ có số điểm cuối cùng. Nếu phần điểm dư nằm ở bên Trắng tức là Trắng đang ưu thế, nếu nằm ở bên Đen thì là Đen đang ưu thế. Để xác định mức độ ưu thế, các bạn tham khảo video của mình tại đây.Và đừng quên xác định rõ yếu tố nào là chính cấu thành nên ưu thế đó, điều này rất quan trọng để các bạn thực hiện bước 2: LẬP KẾ HOẠCH.

Tìm nước đi mà không biết đánh giá thế cờ, thì giống như ăn cơm mà không chuẩn bị bát đũa vậy!

P/s: Mọi người có thể thoải mái copy và reup, nhưng đừng quên ghi nguồn để ủng hộ tác giả nhé!

 

 

Topics #chiến lược #cờ vua #Đặng Hoàng Sơn CHESS #đánh giá thế cờ #kí hiệu #The CHESS HOUSE