Khái niệm về Tàn Cuộc
- Tàn cuộc/ Cờ tàn là gì? Đây thực sự là một câu hỏi khó. Khi thử đem câu hỏi này hỏi một vài người chơi Cờ, mình thường nhận được câu trả lời như sau: “Tàn cuộc là khi trên bàn cờ còn ít quân”. Điều đó không sai, nhưng các bạn thường không trả lời được chắc chắn khi mình hỏi câu thứ hai: “Vậy ít quân là bao nhiêu?”.
Thực sự thì không có tiêu chí rõ ràng để có thể kết luận được đâu là lúc Tàn Cuộc bắt đầu. Nhà vô địch thế giới thứ 4 Alexander Alekhine đã từng nói: “Chúng ta không thể xác định chính xác thời điểm Cờ Tàn bắt đầu”. Có những ván đấu khi hai bên bắt đầu thực hiện đổi quân hàng loạt từ trung cuộc sẽ dẫn tới tàn cuộc, cũng có những ván chuyển thẳng từ khai cuộc sang tàn cuộc (bỏ qua giai đoạn trung cuộc). Có những thế cờ dù chỉ còn 2 cặp quân cũng vẫn đang là trung cuộc, cũng có những thế cờ tàn bắt đầu khi còn tới 4 cặp quân.
Năm 1981, Speelman đưa ra khái quát về cờ tàn trong cuốn Endgame Preparation rằng giai đoạn cờ tàn sẽ bắt đầu khi mỗi bên còn tổng 13 điểm vật chất trở xuống, nhưng điều này gặp mâu thuẫn vì một số thế cờ tàn có tương quan lực lượng không cân xứng. Rất khó có thể xác định chính xác nước đi nào đã chuyển sang cờ tàn và vì thế, chúng ta thường bỏ qua khái niệm này.
Có một số quan điểm khá thú vị về khái niệm Tàn Cuộc. Năm 1992, Medni và Crouch giải quyết câu hỏi bằng nhận định ngược như sau: Ván cờ vẫn ở giai đoạn trung cuộc nếu các yếu tố này vẫn còn:
- Một bên phát triển tốt hơn
- Các cột mở có thể dùng để tấn công
- Vị trí vua dễ bị nhòm ngó và tiếp cận
- Quân đứng lạc
Quan điểm này khá hay và cá nhân mình đánh giá là hợp lí, nhưng vì là quan điểm phản biện nên nó không thể xem là một khái niệm. Ở đây mình sẽ đưa ra 3 đặc tính của Cờ Tàn do Alburt và Krogius kết luận trong bộ sách Just the Fact! nổi tiếng mà mình cảm thấy là rõ ràng và đúng nhất:
- Vai trò của quân Vua thay đổi: Từ một quân phải dốc sức bảo vệ trở thành quân tấn công mạnh mẽ.
- Vai trò của Tốt thay đổi: Từ một quân có giá trị thấp nhất, thậm chí được sử dụng để thí mở đường, trở thành quân đặc biệt giá trị và nguy hiểm khi tạo thành Tốt thông.
- Yếu tố Zugzwang xuất hiện (tình thế mà khi một bên bị rơi vào, bất kỳ nước đi nào cũng khiến thế trận của họ yếu đi).
Lượt ai đi trước, bên đó bị Zugzwang!
Các Loại Tàn Cuộc
Có rất nhiều cách phân loại tàn cuộc, ở đây mình sẽ liệt kê một cách tổng quát nhất để các bạn dễ theo dõi
- Cờ tàn nguyên tử: cờ tàn Tốt
- Cờ tàn Vua + Tốt chống Vua
- Cờ tàn Vua + Tốt chống Vua + Tốt
- Cờ tàn quân nhẹ
- Cờ tàn Mã
- Cờ tàn Tượng ( tượng cùng màu, khác màu)
- Cờ tàn Mã chống Tượng
- Cờ tàn quân nặng
- Cờ tàn Hậu
- Cờ tàn Xe
- Cờ tàn có lực lượng không cân xứng
- Cờ tàn không có Tốt
Tàn cuộc không có Tốt
TỔNG KẾT:
Qua bài viết này, mong các bạn đã có góc nhìn chính xác hơn, khái niệm cụ thể và rõ ràng về Tàn Cuộc. Việc xác định rõ thời điểm chuyển giao giữa khai cuộc và tàn cuộc, hoặc trung cuộc và tàn cuộc là điều rất quan trọng. Nó có thể ảnh hưởng tới những đánh giá, kế hoạch và việc ra quyết định thực hiện nước đi đúng hay sai. Với các cao thủ, tỉ lệ chiến thắng bằng kỹ năng Cờ Tàn thường cao hơn rất nhiều so với những kỳ thủ ở trình độ thấp hơn.
Vậy nên các bạn nhớ phải luyện tập Tàn Cuộc song song với học Khai Cuộc và giải bài tập Trung Cuộc nhé! Bài viết dựa trên việc tổng hợp kiến thức, mang tính chất tham khảo.
Bài viết thuộc bản quyền của CLB The CHESS HOUSE [Vui lòng ghi rõ nguồn khi bạn muốn chia sẻ]
Topics #Đặng Hoàng Sơn CHESS